Mỗi năm, ngành tôm Việt Nam mất 10.000 tỉ đồng. Đây là khoản chi phí mà doanh nghiệp chế biến tôm trong nước phải bỏ ra, để kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều khoản chi phí khác liên quan kiểm tra kháng sinh, khi mặt hàng tôm của Việt Nam xuất khẩu sang các nước.
Đây cũng chính là một trong những khoản chi phí làm đội giá bán tôm của Việt Nam so với các nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới như Ecuador, Ấn Độ. Là nguyên nhân làm giảm cơ hội bán tôm Việt Nam do thời gian thông quan kéo dài và làm giảm cơ hội cạnh tranh tôm Việt Nam so với các nước trên.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến việc tồn lưu kháng sinh trong nuôi tôm thẻ chân trắng, quá trình hình thành cùng những ảnh hưởng của việc tồn lưu do kháng sinh gây ra.
Việc sử dụng kháng sinh, những rủi ro trong quá trình sử dụng, khả năng kháng thuốc của vi khuẩn… chúng tôi đã đề cập nhiều, ở những chuyên đề trước đây.
Khi sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi tôm, bà con chỉ quan tâm đến tác dụng của thuốc, làm sao đạt được hiệu quả cho mục đích sử dụng, ít hoặc không quan tâm đến tồn lưu kháng sinh và những ảnh hưởng sau đó.
Nguyên nhân của sự tồn lưu kháng sinh ở tôm thẻ
Sử dụng kháng sinh nhiều về tần suất, liều lượng, số lượng và cách thức sử dụng như: Cho tôm ăn trực tiếp thông qua việc trộn kháng sinh vào thức ăn, đánh trực tiếp kháng sinh vào môi trường nước nuôi tôm.
Kháng sinh là lựa chọn đầu tiên, được xem như giải pháp hàng đầu, khi tôm nuôi xuất hiện sự cố. Các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất, ao bạt bờ đáy lưới…việc tồn lưu kháng sinh xảy ra trong môi trường nuôi tôm như tồn lưu trong đất, chủ yếu là nền đáy ao, nguồn nước, chủ yếu là nguồn nước nuôi tôm.
Quá trình tồn lưu là sự tích luỹ kháng sinh qua thời gian nuôi hàng ngày, mỗi tuần, hàng tháng, suốt vụ nuôi, ở các vụ nuôi tiếp theo…Trong quá trình nuôi, bà con thường xuyên thay nước ao nuôi. Sau mỗi vụ nuôi, bà con tiến hành công đoạn sên ao, hút loại bùn đáy, rửa đáy ao…
Tuy nhiên, ngoài quá trình tồn lưu kháng sinh thấm sâu vào tầng đất đáy ao, quá trình thẩm thấu ngược từ những bãi bùn thải bên cạnh vào lại ao nuôi vẫn diễn ra.
Mặt khác, nguồn nước thay ra trong quá trình nuôi đã nhiễm kháng sinh, chưa được xử lý triệt để, sau thời gian, bà con đưa nguồn nước này vào lại ao nuôi, gây tồn lưu, tích luỹ kháng sinh ngược.
Ngoài tồn lưu diễn ra trong mô hình nuôi, tồn lưu kháng sinh còn diễn ra trong cơ thể tôm, tồn lưu trong cơ thể người sử dụng. Do sử dụng thuốc kháng sinh gần ngày xuất bán, sử dụng thuốc cấm, sử dụng kháng sinh với liều lượng, tần suất cao hơn hướng dẫn, khuyến cáo…
Rủi ro khi lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm thẻ
Những ảnh hưởng của tồn lưu kháng sinh tác động đến chất lượng môi trường nuôi tôm, làm giảm chất lượng môi trường.
Đối với tôm thẻ
Khi tồn lưu kháng sinh diễn ra, ảnh hưởng đến sức khoẻ tôm nuôi như chức năng gan về mặt tiêu hoá, tôm ăn yếu, tiêu hoá thức ăn kém hơn, tôm ăn chậm, thời gian canh vó kéo dài, gây dư thừa thức ăn.
Khả năng lọc thải chất độc của gan kém hoặc mất dần khả năng lọc thải độc chất. Tôm dễ bị bệnh gan tuỵ, chết sớm, tôm dễ nhiễm bệnh trắng gan hoặc vàng gan. Tôm suy giảm chức năng miễn dịch, giảm khả năng đề kháng dịch bệnh.
Hệ vi khuẩn đường ruột lợi khuẩn do tồn lưu kháng sinh nên giảm dần, vi khuẩn có hại trong ruột tôm tăng cơ hội xâm nhập, phát triển tăng nhanh số lượng, tăng khả năng gây hạị, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ tôm, làm giảm tỷ lệ sống tôm trong ao, làm tăng nguy cơ các dịch bệnh tôm bùng phát.
Cũng từ đây, hình thành cơ chế lờn thuốc của vi khuẩn hiện tại. Bên cạnh đó, môi trường nuôi xuất hiện nhiều dòng vi khuẩn mới, hình thành nhiều bệnh tôm mới.
Từ đó, làm giảm cơ hội điều trị bệnh bằng kháng sinh khi bệnh tôm xảy ra, kéo dài thời gian điều trị bằng kháng sinh, hiệu quả điều trị bệnh tôm thành công bằng khánh sinh giảm hoặc không có hiệu quả.
Khi tồn lưu kháng sinh xảy ra, tăng trưởng và phát triển tôm nuôi bị ảnh hưởng, giảm, hoặc tôm nuôi ngưng tăng trưởng (tôm bị chai, còi, phân đàn).
Riêng ảnh hưởng tồn lưu kháng sinh đến giá trị thương mại của sản phẩm khi xuất bán, chúng tôi đã phân tích ở phần đầu bài viết này. Đây là thiệt hại to lớn, làm giảm giá trị tôm Việt Nam, giảm cơ hội canh tranh với các nước sản xuất tôm trên thế giới, giảm vị thế tôm Việt Nam, là nguyên nhân chính gây khó khăn khi tìm kiếm đầu ra, mở rộng thị trường.
Đối với sức khỏe con người
Ảnh hưởng tồn lưu kháng sinh trong sản phẩm tôm đến sức khoẻ người tiêu dùng, đã được nghiên cứu. Nguy hiểm nhất là gây nên hiện tượng lờn thuốc, giảm hoặc không có hiệu quả, khi chúng ta dùng kháng sinh điều trị bệnh.
Những kháng sinh cấm trong nuôi tôm như Chloramphenicol, Enrofloxacin, Ciprofloxacin, khi tồn lưu trong thịt tôm, người sử dụng những sản phẩm này, hình thành những bệnh nguy hiểm, gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Giá trị tôm Việt Nam, cơ hội cạnh tranh, đầu ra sản phẩm…tất cả do bà con nuôi tôm quyết định. Thận trọng trong sử dụng kháng sinh điều trị bệnh tôm, bà con nên thực hiện kháng sinh đồ trước khi dùng kháng sinh là việc làm cần thiết, quan trọng.
Nuôi tôm có trách nhiệm hình thành từ mỗi hộ nuôi tôm, thể hiện qua ý thức và kiến thức sử dụng kháng sinh. Chúng ta cùng hướng đến mục tiêu nuôi tôm có hiệu quả kinh tế, mô hình nuôi ổn định, thân thiện, hài hoà môi trường, hài hoà các lợi ích để phát triển bền vững.
Gia tăng giá trị tôm Việt Nam, sẽ tác động tích cực đến lợi ích kinh tế của từng hộ nuôi tôm, hay nói cách khác, ngành tôm Việt Nam có tồn tại, phát triển hay không, do mỗi hộ nuôi tôm quyết định.